Trong thương mại quốc tế thì ngành hàng không đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bạn có biết là có bao nhiêu loại máy bay được sử dụng để chuyên chở hàng hóa trong ngành vận tải hàng không hay không?
Hôm nay Huyền sẽ chia sẻ bài viết về cách phân biệt một số máy bay dịch vụ trong vận tải hàng không dưới góc độ là nhân viên của công ty FWD chứ không phải nhân viên của các hãng hàng không.
Cách phân biệt các loại máy bay là những kiến thức cần thiết và quan trọng cần phải biết khi làm ở các công ty Logistics để lựa chọn được dịch vụ và hãng hàng không phù hợp cho hàng hóa của mình. Hy vọng những thông tin dưới đây sẽ hữu ích đối với bạn trong công việc sắp tới.
#1. Passenger Aircraft/Passenger Flight (PAX)

Máy bay chở khách sẽ chia thành 2 phần:
- Phần phía trên là khoang hành khách
- Phần phía dưới để chứa hàng hóa gọi là Belly (bụng máy bay) hoặc gọi là Lower deck (boong dưới).
Đối với máy bay chở khách, hãng hàng không sẽ quy định chặt chẽ về trọng lượng và kích thước tối đa trên mỗi kiện hàng. Thông tin về giới hạn trọng lượng và kích thước sẽ được note trong bảng giá của hãng hàng không.
Loại hàng hóa được chấp nhận trên máy bay chở khách.
Thông thường, máy bay PAX thường ưu tiên nhận các loại hàng hóa thông thường như hàng may mặc, túi xách, giày dép, sách báo,… còn các loại máy móc thiết bị có pin/dầu mỡ,… hoặc các loại hàng chất lỏng, chất rắn,… sẽ tùy thuộc vào hàng hãng không có chấp nhận hàng hóa đặc biệt đó hay không. Bạn nên cung cấp thông tin hàng hóa chính xác khi lấy booking để tránh gặp rắc rối khi hàng đã ra đến sân bay mà bị an ninh giữ lại vì lô hàng có chứa chất nguy hiểm.
Ngoài ra, một trong những tiêu chí để phân biệt máy bay trong vận tải hàng không là Narrow-body aircraft (máy bay thân hẹp) và Wide-body aircraft (máy bay thân rộng). Tiêu chí này chủ yếu để phân biệt máy bay PAX.
Đường kính của máy bay thân rộng thường là 5-6m, lớn hơn tương đối so với máy bay thân hẹp chỉ là 3-4m. Với việc cabin rộng hơn, khoang hàng hóa của máy bay thân rộng cũng có sức chứa lớn hơn.
Ví dụ các dòng máy bay thân hẹp: A320/A319, B737-700, B737-800, B737-900, B757-200, B757-300,…
Ví dụ các dòng máy bay thân rộng: B747-400, B767-300, B767-400, B777, B787 Dreamliner,…
Loại máy bay rộng được hỗ trợ động cơ lớn hơn và mạnh mẽ hơn so với các đối tác thân hẹp. Do đó, máy bay thân rộng được sử dụng phổ biến cho các chuyến bay đường dài, bao gồm cả các chuyến bay xuyên lục địa.
#2. Freighter (F)/Cargo Aircraft Only (CAO)

Đây là loại máy bay chỉ chuyên chở hàng hóa, trên máy bay chỉ có tổ lái và hàng hóa chứ không có hành khách nên sẽ có nhiều space để chở hàng hóa hơn so với máy bay PAX.
Cũng tương tự như máy bay chở khách, máy bay chở hàng sẽ chia thành 2 phần.
- Phần phía trên được gọi là Main deck (boong chính/boong trên).
- Phần phía dưới được gọi là Lower deck (boong dưới) hoặc Belly (bụng máy bay).
Máy bay chở hàng cũng có quy định về trọng lượng và kích thước tối đa với 1 kiện hàng.
Ví dụ: hãng hàng không Silk Way West Airlines (7L) có khai thác freighter đi từ Singapore. Boong trên thường sẽ nhận được hàng cao và nặng hơn boong dưới. Boong trên có thể nhận được hàng cao 3m – nặng 6 ton còn boong dưới thì chỉ nhận được hàng cao 1.6m – nặng 4.5 ton.
Vì sao các hãng hàng không lớn thường sử dụng máy bay freighter để chở hàng?
- Lý do đầu tiên các hãng hàng không lớn thường sử dụng máy bay F để không cần phải chia sẻ chỗ trên máy bay với hành khách, hành lý của hành khách nên freighter sẽ chuyên chở được một lượng hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với máy bay PAX.
- Lý do thứ hai, đối với các loại hàng hóa có kích thước lớn (over size) và có trọng lượng nặng (over weight) thì cần máy bay lớn để chuyên chở các loại hàng hóa đặc biệt này.
Ví dụ: xe ô tô, xe tải, máy móc nguyên khối, thiết bị nguyên khối, tượng, chuông, ống đồng,…
- Lý do thứ ba, các loại hàng hóa nguy hiểm theo quy định của IATA chỉ được phép vận chuyển trên máy bay chở hàng mà không được phép vận chuyển trên máy bay chở khách để hạn chế rủi ro về con người.
Có 9 nhóm hàng nguy hiểm theo quy định của IATA như sau:
Loại 1: Chất nổ | Loại 2: Khí ga | Loại 3: Chất lỏng dễ cháy |
Loại 4: Chất rắn dễ cháy | Loại 5: Chất ôxy hóa; các hợp chất ô xít hữu cơ | Loại 6: Chất độc hại; các chất lây nhiễm |
Loại 7: Chất phóng xạ | Loại 8: Chất ăn mòn | Loại 9: Hàng nguy hiểm khác |
Tần suất bay của Freighter thường sẽ ít hơn tần suất bay của PAX.
Ví dụ: trong 1 tuần có 7 chuyến PAX Flight nhưng chỉ có 1-2 chuyến Freighter Flight.
Số lượng các hãng hàng không có máy bay F sẽ ít hơn rất nhiều so với số lượng các hãng hàng không có máy bay PAX.
Các hãng hàng không sẽ điều chỉnh tần suất bay của Freigher Flight dựa vào tình hình thị trường và hàng hóa thực tế, sẽ có những hãng có chuyến bay F weekly nhưng sẽ có những hãng chỉ có chuyến bay F vào dịp mùa cao điểm (peak season) để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lợi ích sử dụng máy bay Freighter
Khách hàng có một lô hàng 30 tấn cần đi air, nếu sử dụng dịch vụ máy bay PAX thì sẽ không đủ tải để lô hàng đi trên một chuyến bay, lô hàng sẽ bị tách nhỏ và bay từng phần theo từng chuyến PAX và theo các ngày bay khác nhau, như vậy rất dễ xảy ra mất mát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Nếu sử dụng dịch vụ máy bay F thì lô hàng sẽ được vận chuyển trong một chuyến bay F, dễ dàng kiểm soát hàng hóa hơn, tránh tổn thất, mất mát hàng hóa.
Trong đợt dịch Covid-19 đã có một số hãng hàng không đã tháo hàng ghế phía boong trên để chuyển thành máy bay chở hàng, do không có hành khách mua vé máy bay nên các hãng phải tận dụng toàn bộ không gian trên máy bay để chở hàng nhằm tiết kiệm chi phí và gia tăng doanh thu để bù đắp một phần tổn hại rất lớn do đại dịch đã gây ra cho ngành hàng không toàn cầu.
#3. Air Cargo Charter (Charter) (Dịch vụ cho thuê máy bay đặc quyền)
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, đã có một số hãng hàng không phát triển dịch vụ cho thuê máy bay nguyên chuyến để chở hàng. Để có thể thuê riêng một chuyến charter chỉ để chở hàng thì các công ty Logistics phải có tiềm lực lớn đồng thời phải có một lượng hàng hóa đủ lớn, xuất cùng một thời gian và cùng đến một sân bay quy định.
Đối với các chuyến bay charter thì sẽ không có lịch bay cố định mà các hãng hàng không sẽ ký hợp đồng đặc quyền với công ty Logistics có nhu cầu thuê charter. Hợp đồng sẽ quy định về giá cả, giờ bay, ngày bay, sân bay đi, sân bay đến,…
Đối với các chuyến bay charter thì sẽ có phần lưu ý đặc biệt với các kiện hàng được xếp lên khoang hành khách (passenger cabin).
Ví dụ:
Aircraft type: A321
Maximum weight:
-Seat/Floor: 20 kg/piece
-Baggage locker: 10 kg/piece
Maximum dimension:
-Seat/Floor: 33cm (L) x 45cm (W) x 90cm (H)
-Baggage locker: 56cm (L) x 36cm (W) x 23cm (H)
Thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, các chuyến bay charter chính là giải pháp tối ưu nhất để vận chuyển trang thiết bị y tế bao gồm khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay, nước sát trùng,… để phòng chống dịch và để vận chuyển hàng hóa thiết yếu sang các nước châu Âu vì các sân bay đều đã bị ‘’lock down”.
Ngoài ra, các chuyến bay charter đã giải quyết một phần bài toán kinh tế cho các hãng hàng không do tình trạng lượng khách mua vé máy bay sụt giảm dẫn đến không có doanh thu từ hoạt động bán vé. Các hãng hàng không đã tận dụng cơ hội để chuyển đổi mục đích sử dụng sang chuyên chở hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn tham khảo: YouTube channel: https://www.youtube.com/giangtransworld